Đường triều đại thần Trưởng Tôn Vô Kỵ

Tể tướng thời Thái Tông

Đầu năm Trinh Quán (627), Trưởng Tôn Vô Kỵ được xét công lao hàng đầu, thăng Thượng thư bộ Lại, tước Tề quốc công (齐国公), sau đổi thành Triệu quốc công (赵国公). Theo đó, gia thăng làm Thái tử Tả thứ tử, Tả Vũ Hậu đại tướng quân, Thượng thư Phó xạ, kiêm chức Tư không, một trong Tam công đầu triều. Quyền thế của Trưởng Tôn Vô Kỵ nhanh chóng đạt đến hiển quý.

Quyền cao chức trọng, nhưng Trưởng Tôn Vô Kỵ không lấy đó mà tự phụ, ngược lại ông lo sợ nếu mình nắm đại quyền quá cao, sẽ tạo sự nghi ngờ các phe cánh trong triều. Nhiều đại thần ám chỉ chuyện này đến Đường Thái Tông, nhưng Hoàng đế vẫn công khai tín nhiệm Vô Kỵ. Không lâu sau khi được thăng phong, bằng nhiều cách dâng sớ thoái lui, và thông qua em gái là Trưởng Tôn hoàng hậu, Trưởng Tôn Vô Kỵ cuối cùng cũng thuyết phục được Đường Thái Tông. Hoàng đế chỉ giữ lại danh hiệu Khai phủ nghi Đồng tam ty (開府儀同三司), tước hiệu Triệu quốc công và chức vị Tư không của ông. Trinh Quán năm thứ 11 (637), ông theo lệnh cùng Phòng Huyền Linh soạn Trinh Quán luật (贞观律).

Năm Trinh Quán thứ 17 (643), họa các công thần tổng 24 người vào Lăng Yên các, Trưởng Tôn Vô Kỵ được xếp thứ nhất. Cùng năm ấy, Thái tử Lý Thừa Càn mưu phản, bị phế. Đường Thái Tông Lý Thế Dân muốn thay Trữ vị, triệu Trưởng Tôn Vô Kỵ, Phòng Huyền Linh và Lý Tích mật nghị. Khi ấy, Đường Thái Tông có lý lập Ngô vương Lý Khác lên thay, nhưng Trưởng Tôn Vô Kỵ hết sức phản đối. Vì thế, Hoàng đế bèn chọn Tấn vương Lý Trị làm Hoàng thái tử.

Phụ chính thời Cao Tông

Năm Trinh Quán thứ 23 (649), Đường Thái Tông băng hà tại Thúy Vi cung (翠微宫), là một hành cung địa phận thuộc phía Nam Tây An ngày nay. Trước khi lâm chung, ông mệnh Trưởng Tôn Vô Kỵ và Chử Toại Lương cùng phò trợ Thái tử Trị.

Khi nghe tin Đường Thái Tông băng hà, Thái tử Lý trị cực kỳ bi thương, ôm Trưởng Tôn Vô Kị mà khóc. Trưởng Tôn Vô Kị vối trấn an, thỉnh Lý Trị xử lý chính sự lấy an trong ngoài, Lý Trị vẫn ai khóc không ngừng. Thế là Vô Kị bèn nói:"Bệ hạ đem tông miếu xã tắc giao phó điện hạ, ngài có thể nào chỉ biết khóc thút thít?". Sau đó, Vô Kị bí mật phát tang, giải quyết ổn thỏa khiến Thái tử tức tốc trở về kinh thành Trường An để đăng cơ[3].

Tháng 6 năm đó, Thái tử Lý Trị lên ngôi, tức Đường Cao Tông. Hoàng đế thăng cữu phụ Trưởng Tôn Vô Kỵ làm Thái úy, kiêm Đồng trung thư môn hạ Tam phẩm (同中書門下三品), lại kiêm Đô đốc Dương Châu, chủ trì triều chính. Lúc bấy giờ với thân phận cậu của Hoàng đế, Trưởng Tôn Vô Kị quyền uy rất lớn, là người tác động mạnh mẽ vị Hoàng để trẻ tuổi này, bản thân Cao Tông cũng ưu tiên nghe lời của Vô Kị nhất[4]. Có người mưu cáo Vô Kị tạo phản, Cao Tông cũng thẳng thừng xử tử[5].

Cuộc đại thanh trừng

Tháng 11 năm Vĩnh Huy thứ 3 (năm 652), dười đời vua Đường Cao Tông Lý Trị, cố đô Trường An xảy ra một vụ án kinh thiên động địa.

Lợi dụng vụ án này, Thái úy Trưởng Tôn Vô Kỵ đã gây ra một cuộc tàn sát đẫm máu trong lịch sử nhà Đường. Theo ghi chép lịch sử, đây chính là vụ "Phòng Di Ái mưu phản". Phòng Di Ái là con thứ của nguyên lão công thần triều Đường Phòng Huyền Linh. Vợ ông là con gái yêu của vua Lý Thế Dân – Công chúa Cao Dương. Được vua cha yêu chiều, nên Công chúa rất kiêu ngạo, hoang dâm vô độ. Sau khi Phòng Huyền Linh qua đời, Cao Dương mặc sức gây chuyện.

Không chỉ tranh cướp tài sản với con trưởng của dòng họ Phòng là Phòng Di Trực, Công chúa Cao Dương còn muốn tranh cướp tước vị Lương Quốc Công mà về lý, sau khi cha qua đời, Phòng Di Trực sẽ kế thừa. Phòng Di Trực không thể nhẫn nhịn thêm, liền đem chuyện tâu lên Hoàng đế. Khi đó, Đường Thái Tông còn tại thế, đã mắng con gái một trận thậm tệ. Quan hệ giữa Công chúa Cao Dương và Phòng Di Trực từ đây tồn tại một nỗi hận thấu xương.

Sau khi Thái Tông qua đời, Lý Trị kế vị. Một hôm, công chúa Cao Dương đột nhiên chạy vào cung, tố cáo Phòng Di Trực bất nhã với mình. Trưởng Tôn Vô Kỵ tiếp nhận vụ án, điều tra xử lý.

Phòng Di Ái từng là tâm phúc của Ngụy Vương Lý Thái. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy Phòng Huyền Linh nhập hội với Ngụy Vương, song sau khi Trưởng Tôn Vô Kỵ có công đưa Lý Trị lên ngôi, do Phòng Huyền Linh không đứng về phía ông ta, nên hai bên nảy sinh quan hệ thù địch. 3 năm đầu sau khi Lý Trị kế vị, Trưởng Tôn không lúc nào ngừng để mắt tới Phòng gia. Bất cứ ai chỉ cần đến gần Phòng Di Ái cũng trở thành kẻ thù của nhất phẩm Thái úy và đều bị liệt vào "danh sách đen", trong đó có cả các danh tướng khai quốc,  Phò mã Đô úy Tiết Vạn Triệt, Hình vương Lý Nguyên Cảnh, Phò mã Đô úy Sài Lệnh Vũ...

Từ khi tiếp cận vụ án, Trưởng Tôn Vô Kỵ không từ các thủ đoạn để thực hiện âm mưu chính trị của mình. Một trong số đó là "khai quật" các vấn đề chính trị có liên quan đến công chúa Cao Dương và các đại thần, lập ra "án mưu phản". Sau khi ra lệnh bắt Phòng Di Ái với tội danh mưu phản, Trưởng Tôn dùng nhục hình, ép khai ra tất cả những người trong "danh sách đen" theo ý của mình.

Ba tháng sau, vụ án "Phòng Di Ái mưu phản" được định đoạt. Đối diện với kết quả thẩm lý, vua Lý Trị hết sức bàng hoàng. Ông không thể ngờ, từ một lời tố cáo bị quấy rối của Công chúa Cao Dương, lại liên đới đến nhiều hoàng thân, quốc thích và các công thần đến vậy. Dưới sự cưỡng ép của Trưởng Tôn Vô Kỵ, Phòng Di Ái bị xử tử. Công chúa Cao Dương cũng được ban tội chết trong khi không ít người trong "danh sách đen" bị lưu đày. Phòng Di Trực vì có cha là khai quốc công thần, nên đã được miễn tội, giáng xuống làm thường dân.

Chỉ từ một vụ án nhỏ, Trưởng Tôn Vô Kỵ đã không cần tốn nhiều công sức để trừ khử tất cả những ai bị coi là đối thủ. Cũng từ đây, quyền lực của Trưởng Tôn không ngừng được củng cố trong suốt vài năm sau đó.